Mua bán và sáp nhập (M&A) là một phần không thể thiếu trong bức tranh kinh doanh toàn cầu, là yếu tố quan trọng của nền kinh tế các quốc gia. Vậy M&A nghĩa là gì? Trong lĩnh vực tư vấn pháp lý liên quan đến M&A cần chú ý những điểm gì quan trọng? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những nội dung sau:
Hoạt động M&A là gì?
M&A là viết tắt tiếng anh của Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). Nói ngắn gọn đây là hoạt động thông qua hình thức sáp nhập hoặc mua lại giữa hai hoặc nhiều doanh nghiệp nhằm giành quyền kiểm soát cũng như sở hữu một phần hoặc cả doanh nghiệp đó.
Mergers (Sáp nhập) là sự liên kết giữa các doanh nghiệp có cùng quy mô và cho ra đời một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân mới. Toàn bộ tài sản, lợi ích chung, quyền hay nghĩa vụ của doanh nghiệp bị sáp nhập hay bị mua lại sẽ “về tay” doanh nghiệp sáp nhập.
Acquisitions (Mua lại) là hình thức một doanh nghiệp lớn sẽ mua lại những doanh nghiệp nhỏ và yếu hơn và doanh nghiệp mua vẫn giữ tư cách pháp nhân cũ. Doanh nghiệp mua lại được quyền sở hữu hợp pháp đối với doanh nghiệp được mua.
Những vấn đề cần lưu ý trong giao dịch M&A
Thứ nhất, về mục tiêu của giao dịch M&A
Trong giao dịch M&A mục tiêu chủ yếu sẽ xoay quanh những định hướng sau:
– Quyền nắm giữ cổ phần/phần vốn góp trong doanh nghiệp;
– Hướng tới tài sản trong doanh nghiệp như: Bất động sản, Dự án…
– Nắm giữ quyền kinh doanh của công ty, cụ thể là mua một doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh, đã và đang thực hiện các hoạt động kinh doanh liên quan tới mô hình kinh doanh mà bên mua quan tâm;
– Quyền sở hữu trí tuệ trong trường hợp đã được đăng ký và công bố.
Thứ hai, lựa chọn cấu trúc giao dịch
Sau khi xác định được mục tiêu giao dịch M&A bên mua và bên bán sẽ tiến hành nghiên cứu, xem xét và lên chương trình lựa chọn cấu trúc giao dịch phù hợp. Có thể phân giao dịch M&A gồm ba cấu trúc sau: mua cổ phần (share acquisition), mua tài sản (asset acquisition) và sáp nhập/hợp nhất (merger/consolidation).
Thư ba, về thẩm định giá
Một trong những hoạt động quan trọng có thể quyết định được tương lai của giao dịch chính là định giá doanh nghiệp. Về phía bên bán, thẩm định giá giúp xác định chính xác giá trị thực tế và tiềm năng phát triển của công ty để tránh tình trạng định giá quá cao hoặc quá thấp, khó thu hút các nhà đầu tư phù hợp với mình. Đối với bên mua, thẩm định giá càng có vai trò quan trọng hơn bởi nó giúp nhà đầu tư đánh giá được mức đầu tư phù hợp, tính khả thi của giao dịch M&A. Hai bên khi tham gia cần phải quy định rõ về các điều khoản liên quan, bởi kết quả định giá này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Thư tư, đàm phán về giá
Sau khi các bên tiến hành gặp gỡ ban đầu để tìm hiểu lẫn nhau, cá bên thường xác lập thỏa thuận sơ bộ dưới hình thức thư bày tỏ ý định, biên bản ghi nhớ, bản điều khoản chính. Bản thỏa thuận sơ bộ phải đề cập đến giá bán.
Nếu bên mua tiến hành soát xét pháp lý (đánh giá sơ bộ về những rủi ro liên quan tới tài sản, tới giao dịch, cơ cấu và đối tượng giao dịch. Qua đó thực hiện điều chỉnh nếu có tồn tại rủi ro…), bên bán sẽ chuẩn bị tài liệu và cơ sở vật chất, nhân lực đẻ đáp ứng yêu cầu của bên mua.
Sau khi tiến hành soát xét pháp lý, các bên tiếp tục tiến hành đàm phán nhằm xác định lại giá trị, hợp đồng M&A được ký xác lập khi các bên cùng đồng ý thống nhất nội dung giao dịch.
Thứ năm, thỏa thuận bảo mật (confidentiality agreement)
Thỏa thuận bảo mật trong trường hợp này được thực hiện trong quá trình các bên tìm hiểu, thương lượng và thực hiện giao dịch. Bên bán sẽ phải cung cấp các thông tin để bên mua hiểu rõ về công ty mục tiêu và về bên bán trước khi ra quyết định có mua hay không. Các thông tin ở đây có thể là các cuộc đàm phán, thỏa thuận về giá chuyển nhượng, nhân sự, các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính, đối tác, các thông tin thương mại, tài chính, kế hoạch, quy trình chiến lược phát triển công ty,…… Các thông tin này nếu bị bên mua tiết lộ sẽ gây hậu quả, bất lợi cho bên bán hoặc công ty mục tiêu nên bên mua phải có nghĩa vụ bảo mật thông tin. Thỏa thuận bảo mật cần được ký kết càng sớm càng tốt, trước khi bên bán tiết lộ thông tin cho bên mua.
Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LegalTech.