ÁP DỤNG ĐIỀU KHOẢN PHẠT VI PHẠM TRONG HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

Chế định pháp lý về phạt vi phạm được coi là một chế định quan trọng để bảo vệ các bên trong quan hệ thương mại. Mục đích của phạt vi phạm là nhằm ngăn ngừa những hành vi vi phạm có thể xảy ra, để từ đó góp phần bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể khi tham gia vào các hoạt động thương mại. Hiện nay, phạt vi phạm được quy định tại cả Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại năm 2005, khi đó bên vi phạm phải trả một khoản tiền cho bên bị vi phạm theo thỏa thuận giữa các bên và giá trị của khoản tiền này có thể chịu hạn chế về mức tối đa theo quy định pháp luật.

I. Căn cứ áp dụng phạt vi phạm hợp đồng

  • Thứ nhất, các bên có quan hệ hợp đồng

Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

  • Thứ hai, có tồn tại thỏa thuận phạt vi phạm

Hợp đồng phải quy định về phạt vi phạm, với nội dung thỏa thuận về việc bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm cho bên bị vi phạm.

  • Thứ ba, có vi phạm

Sự kiện làm phát sinh trách nhiệm thanh toán tiền phạt vi phạm phải là vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng và hành vi vi phạm hợp đồng không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm.

II. Mức phạt vi phạm và các khoản thanh toán bị coi là phạt vi phạm

1. Mức phạt vi phạm

Mức phạt vi phạm hợp đồng là một trong những nội dung quan trọng của thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng, theo khoản 2 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các bên có thể tự do thỏa thuận mức phạt vi phạm mà không bị hạn chế bởi mức phạt vi phạm tối đa, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Hiện nay, chỉ có Luật thương mại và Luật xây dựng có quy định về giới hạn mức phạt vi phạm trong hợp đồng. Theo Điều 3012 Luật Thương mại 2005 đặt ra mức phạt vi phạm tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp phạt vi phạm do vô ý giám định sai. Ngoài ra, theo Điều 146 Luật Xây dựng 2014 thì đặt ra mức phạt tối đa đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công là 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.

Do đó, mức vi phạm tối đa hiện nay có sự khác nhau trong quy định của pháp luật nên trên thực tế tồn tại khá nhiều khó khăn đối với các bên trong việc áp dụng thỏa thuận phạt vi phạm và cũng là thách thức cho cơ quan tài phán trong việc xác định mức phạt vi phạm hợp đồng tối đa.

2. Hệ quả pháp lý khi thỏa thuận vượt quá mức phạt vi phạm tối đa

Pháp luật hiện hành không có một quy định nào đề cập đến cách thức giải quyết trong trường hợp hai bên thỏa thuận mức phạt vi phạm vượt quá mức tối đa được quy định nên tồn tại nhiều hợp đồng giữa hai thương nhân nhưng lại quy định thoả thuận phạt vi phạm lên đến 20% giá trị hợp đồng. Trên thực tiễn xét xử các bản án kinh doanh thương mại, Tòa án giải quyết theo hướng chỉ chấp nhận bên vi phạm nghĩa vụ phải trả cho bên bị vi phạm một khoản tiền tương ứng với 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm trong hợp đồng.

Từ trên có thể thấy, kể cả khi các bên thỏa thuận mức phạt vượt quá mức tối đa được pháp luật quy định, thỏa thuận phạt vi phạm vẫn không bị vô hiệu, các bên không phải chịu bất kỳ chế tài nào mà khi phát sinh tranh chấp tại Tòa án thì các bên mới đồng ý điều chỉnh lại mức phạt vi phạm phù hợp với quy định pháp luật.

Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LegalTech.