NGƯỜI CÓ NHƯỢC ĐIỂM VỀ TÂM THẦN HOẶC THỂ CHẤT ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO ?

Người bào chữa của bị cáo/người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất là một trong các trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí Tòa án theo quy định của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Vậy, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất sẽ được hiểu như thế nào?

Căn cứ pháp lý

Có quan điểm cho rằng người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Cũng có quan điểm cho rằng người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi. Còn người bị mất năng lực hành vi dân sự không phải là người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.

Theo quy định Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015, người mất năng lực hành vi dân sự khi người đó do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Theo khái niệm này, người có khiếm khuyết về tâm thần và thể chất vẫn chưa phải mất đi hoàn toàn khả năng nhận thức nên không thuộc trường hợp là người mất năng lực hành vi dân sự.

Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo khái niệm tại Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015 là người do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự. Như vậy có thể thấy, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có thể do một số khiếm khuyết nào đó mà dẫn đến khả năng nhận thức không được đầy đủ và không thể làm chủ được hành vi của bản thân. Tuy nhiên, họ vẫn chưa mất hoàn toàn khả năng nhận thức và điều khiển hành vi như người bị mất năng lực hành vi dân sự. Vì vậy có thể nói, người có khiếm khuyết về tâm thần hoặc thể chất cũng có thể được xem là một trường hợp của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Đối với người hạn chế năng lực hành vi dân sự, theo quy định tại Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015 được cho là người do nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản. Vậy, việc bị tác động bởi ma túy và các chất kích thích có dẫn đến khiếm khuyết về tâm thần và thể chất không? Đối với quan điểm người có khiếm khuyết về tâm thần hoặc thể chất là người hạn chế năng lực hành vi dân sự, tác giả vẫn chưa được thuyết phục với quan điểm như trên. Ngoài ra, một người có biểu hiện như có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người nghiện ma túy hoặc chất kích thích khác nếu chưa bị Tòa án tuyên bố là họ có khó khăn trong nhận thức và hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì có được coi là người có nhược điểm về thể chất, tâm thần không?

Hiện nay, vẫn chưa có quy quy định pháp luật hay văn bản nào hướng dẫn hay giải thích khái niệm về người có nhược điểm về thâm thần hoặc thể chất. Chính vì điều đó, có nhiều quan điểm không thống nhất cũng như để nhất quán cách hiểu thế nào là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

 

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

LegalTech - Luôn vì bạn

Liên hệ – LegalTech

Phone: 0936 554 127

Email: info@legaltech.vn