ĐIỀU TRA CHỐNG LẨN TRÁNH THUẾ PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI CỦA HOA KỲ VÀ MỘT SỐ LƯU Ý CHO DOANH NGHIỆP

Điều tra chống lẩn tránh thuế Hoa Kỳ

Trong thời gian qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng một số cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam như ống thép, tủ gỗ….theo tờ báo VietNamplus. Điều này đã tạo nên mối lo ngại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có các mặt hàng xuất khẩu qua Hoa Kỳ.

Vì vậy các Doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu và hiểu rõ các quy định, trình tự, thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ để không phạm phải cũng như hạn chế thiệt hại nếu bị điều tra…

Điều tra chống lẩn tránh thuế Hoa Kỳ

1. Quy định về điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ

Quy định chính thức đầu tiên về chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ là tại Mục 1321 của Đạo luật Thương mại liên ngành và Cạnh tranh 1988 (Omnibus Trade and Competitive Act) (Đạo luật Thương mại 1988) với tên gọi ‘Ngăn chặn việc lẩn tránh lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp’ (được pháp điển tại Mục 781 Đạo luật Thuế quan 1930, 19 U.S.C 1677j). Quy định này ra đời một mặt để theo kịp với quy định của EU về chống lẩn tránh thuế được thông qua vào năm 1987 và mặt khác là do quan ngại việc các nhà sản xuất châu Á tham gia vào các hành vi lẩn tránh thuế.

Có 4 hành vi lẩn tránh bị cấm được quy định tại Mục 1321 nói trên, bao gồm:

  • Lẩn tránh đối với hàng hoá được hoàn thiện hoặc lắp ráp ở Hoa Kỳ (còn gọi là lẩn tránh thượng nguồn)
  • Hàng hoá được hoàn thiện hoặc lắp ráp ở nước ngoài (qua nước thứ 3)
  • Sự thay đổi nhỏ đối với hàng hoá hàng hoá phiên bản mới (lẩn tránh sản phẩm).

Nội dung cụ thể như sau:

  • Mục 1321(a) lẩn tránh thượng nguồn (‘hàng hoá được gia công hoặc hoàn thiện ở Hoa Kỳ’). Một giao dịch sẽ được coi là lẩn tránh thượng nguồn nếu (i) sản phẩm được lắp ráp là cùng loại với sản phẩm chịu lệnh áp thuế; (ii) sản phẩm được lắp ráp được hoàn thiện hoặc lắp ráp ở Hoa Kỳ từ những linh kiện được sản xuất ở một nước chịu lệnh áp thuế; và (iii) sự khác nhau giữa trị giá của sản phẩm được lắp ráp và các linh kiện được nhập khẩu là nhỏ. Bên cạnh đó, có 3 yếu tố khác cần được xem xét, bao gồm (i) xu hướng thương mại; (ii) liệu doanh nghiệp lắp ráp có liên quan tới nhà sản xuất các linh kiện hay không; và (iii) liệu việc nhập khẩu các linh kiện có tăng sau khi áp lệnh áp thuế hay không.
  • Mục 1321(b) quy định về việc lẩn tránh thông qua nước thứ 3, được gọi là ‘hàng hoá được hoàn thiện hoặc lắp ráp ở các nước ngoài khác’. Tiêu chí để xác định giống với những tiêu chí ở trên liên quan đến việc lẩn tránh thượng nguồn.
  • + Mục 1321 (c) quy định về các hành vi liên quan đến việc thay đổi nhỏ về hình dạng hoặc kiểu dáng một sản phẩm nhằm mục đích lẩn tránh thuế CBPG/CTC. Quy định này cho phép cơ quan có thẩm quyền xác định liệu có cần áp biện pháp chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC với hàng hoá được thay đổi nhằm mục đích lẩn tránh thuế CBPG/CTC hay không.
  • Theo quy định này, các sản phẩm phiên bản sau có thể cũng thuộc phạm vi áp dụng của lệnh áp thuế CBPG/CTC nếu nhà xuất khẩu có ý định lẩn tránh thuế. Một sản phẩm được coi là sản phẩm phiên bản sau nếu (i) có các đặc điểm vật lý chung giống với sản phẩm chịu lệnh áp thuế (sản phẩm ban đầu); (ii) đáp ứng cùng một mong muốn cho người tiêu dùng cuối cùng như sản phẩm ban đầu; (iii) có cùng công dụng cuối cùng như sản phẩm ban đầu; (iv) có cùng kênh thương mại giống sản phẩm ban đầu; và (v) được quảng cáo và bày bán theo cách giống như sản phẩm ban đầu.

2. Thẩm quyền và trình tự thủ tục điều tra

a) Thủ tục chung

  1. Khởi xướng điều tra: Mục 1321 (e) quy định về thủ tục chung khi điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC. Một cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC sẽ được khởi xướng nếu ngành sản xuất trong nước liên quan nộp đơn kiện và cung cấp bằng chứng đầy đủ về việc xảy ra hành vi lẩn tránh. Sau khi nhận đơn, DOC sẽ nghe các ý kiến của các bên liên quan về việc liệu họ ủng hộ hay phải đối đơn kiện. Một thông báo sẽ được ban hành tại Công báo Liên bang nếu vụ việc được khởi xướng bởi DOC. DOC cũng có thể tự khởi xướng điều tra kể cả khi không có đơn kiện trong một số trường hợp. Tuy nhiên, việc tự khởi xướng sẽ phụ thuộc vào việc liệu bằng chứng có đủ để cho thấy có hành vi lẩn tránh hay không.
  2. Bảng câu hỏi: Sau khi cuộc điều tra được khởi xướng, các bên liên quan sẽ được cung cấp bảng câu hỏi để cung cấp thông tin liên quan về các hành vi lẩn tránh. Những nguồn khác như tài liệu chính thức cũng có thể cung cấp thông tin phù hợp cho DOC. Một quyết định tạm thời sẽ được ban hành nếu DOC ra kết luận. Tuy nhiên, bên liên quan có thể tiếp tục cung cấp bằng chứng và đưa ra quan điểm hoặc yêu cầu tranh tụng chính thức. Đồng thời, DOC sẽ thông báo với ITC nếu dự định mở rộng biện pháp áp thuế CBPG/CTC ban đầu cho một sản phẩm mới.

Mặt khác, ITC có thể yêu cầu tham vấn với DOC nếu cần thiết. Việc tham vấn này sẽ cho phép ITC quyết định liệu kết luận hiện hành về thiệt hại của lệnh áp thuế ban đầu có vấn đề gì không nếu DOC mở rộng lệnh áp thuế hiện hành cho sản phẩm mới. Trong vòng 60 ngày, ITC sẽ phải cung cấp bản ý kiến bằng văn bản cho DOC liên quan đến vấn đề này. Sau khi nhận được ý kiến của ITC, DOC sẽ đưa ra kết luận cuối cùng (công bố công khai) về thông tin được cung cấp bởi các bên liên quan và ý kiến của ITC.

Theo quy định, một cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế phải được thực hiện trong vòng 300 ngày sau khi khởi xướng. Các quyết định của DOC về các biện pháp chống lẩn tránh thuế bị rà soát tư pháp (judicial review). Bên cạnh đó, Hoa Kỳ áp dụng một hệ thống đặc biệt (unique) liên quan đến thu thuế. Khi DOC ra kết luận cuối cùng khẳng định có lẩn tránh thuế, thuế sẽ không bị áp ngay lập tức sau quyết định này mà yêu cầu một khoản đảm bảo (security) (thường dưới dạng đặt cọc bằng tiền mặt) đối với hàng hoá bị nghi ngờ. Một cuộc rà soát hành chính (administrative review) để tính toán mức thuế cuối cùng chính thức sẽ được tiến hành sau khi hoàn thành cuộc điều tra. Do đó, việc tính toán và thu thuế chính thức được thực hiện sau cuộc rà soát hành chính này. Tuy nhiên, mức thuế chính thức được tính toán phụ thuộc vào mức độ phá giá/trợ cấp của giai đoạn rà soát.

  • Cần lưu ý là thủ tục chung này chỉ áp dụng cho các vụ việc điều tra chống lẩn tránh liên quan đến hành vi lẩn tránh thượng nguồn (nhưng không bao gồm lắp ráp hoặc hoàn thiện nhỏ), lẩn tránh thông qua nước thứ 3 và sản phẩm phiên bản sau. Những hành vi lẩn tránh khác sẽ phải tuân theo các thủ tục cụ thể.

Lấy ý kiến từ ITC liên quan đến kết luận thiệt hại là một giai đoạn đặc biệt trong thủ tục chung. Tuy nhiên, đây không phải là kết luận về thiệt hại như được yêu cầu bởi ADA/SCMA. Theo đó, mặc dù thực tế là cả phạm vi của hàng nhập khẩu bị nghi ngờ và của ngành sản xuất trong nước ban đầu thay đổi, không có yêu cầu nào trong luật quy định về việc phải ra kết luận về thiệt hại trong một cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế. Tuy nhiên, theo ADA/SCMA, cần phải có kết luận mới về thiệt hại đối với hàng nhập khẩu mới nếu áp/mở rộng thuế. Rõ ràng là thuế CBPG, CTC ban đầu là phụ thuộc vào phạm vi của hàng nhập khẩu và của ngành sản xuất trong nước và do đó là phụ thuộc vào kết luận ban đầu về phá giá/trợ cấp và thiệt hại. Vì vậy, sẽ có vấn đề nếu xác định có lẩn tránh và do đó là tiến hành các biện pháp chống lẩn tránh (mở rộng thuế CBPG/CTC đối với sản phẩm bị nghi ngờ) lại sử dụng kết luận ban đầu về phá giá/trợ cấp và thiệt hại. Trên thực tế, tình hình sẽ tệ hơn trong hầu hết các vụ khi ITC cho rằng không cần tham vấn với DOC về vấn đề thiệt hại.

b) Thủ tục đặc biệt (unique)

Có 3 thủ tục đặc biệt trong hệ thống chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ hiện hành, bao gồm:

  1. Điều tra phạm vi (scope inquiry)
  2. Hệ thống giám sát với sản phẩm hạ nguồn
  3. thủ tục rút gọn với sản phẩm có vòng đời ngắn.

Những hành vi lẫn tránh khác sẽ phải áp dụng 3 thủ tục trên.

3. Những lưu ý cho Doanh nghiệp

Cho đến nay Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng hàng trăm vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, trong đó chủ yếu là các vụ điều tra đối với lệnh áp thuế dành cho Trung Quốc, UAE, Đài Loan, Canada,…

Đối với Việt Nam, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra trên 5 vụ, hầu hết là điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép – mới đây nhất là cuộc điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép – chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 theo đơn kiện của các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng – là nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… (đang bị áp dụng thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp cao nhất lên đến 616%) sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Hoa Kỳ.

Đáng lưu lý là phần lớn các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế đối với hàng Việt Nam đều liên quan đến cáo buộc lẩn tránh thuế áp tại một số nước đang bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và đa phần liên quan đến hình thức lắp ráp, gia công, chế biến đơn giản tại một nước thứ ba (Việt Nam), lấy xuất xứ để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Ngoài ra, mức thuế chống lẩn tránh thuế thường được Hoa Kỳ áp dụng  bằng với mức thuế của vụ việc gốc và do đó hàng hoá bị điều tra chống lẩn tránh thuế có thể bị áp một mức thuế rất cao. Ngoài ra, một vụ việc chống lẩn tránh thuế có thể dẫn tới một vụ việc điều tra chống lẩn bán phá giá, chống trợ cấp.

Đặc biệt, do quy định/thông lệ của Hoa Kỳ là sẽ áp mức thuế chống lẩn tránh chung cho tất cả các doanh nghiệp dù doanh nghiệp có hợp tác hay không hợp tác với doanh nghiệp có hành vi lẩn tránh. Vì vậy, các doanh nghiệp không hợp tác sẽ rất thiệt và không được hưởng mức thuế thấp hơn kể cả họ không hợp tác với doanh nghiệp có hành vi lẩn tránh. Đây là một thực tế pháp lý mà các doanh nghiệp Việt cần hết sức lưu ý để không phạm phải.

Trên đây là những lưu ý đến với Doanh nghiệp Việt trong bối cảnh Hoa Kỳ đang tăng cường khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế.

 

LegalTech - Luôn vì bạn

Liên hệ – LegalTech

Phone: 0936 554 127

Email: info@legaltech.vn