CÓ MẤY HÌNH THỨC CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN?
Sự sáng tạo của con người ngày càng vượt bậc, đặc biệt là trong thời đại số hiện nay. Cùng với đó, mọi người ngày càng quan trọng về việc bản quyền của tác phẩm hơn. Vì vậy, việc chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng nhiều hơn trước. Vậy, có mấy hình thức chuyển nhượng quyền tác gải, quyền liên quan?
1. Quyền tác giả, quyền liên quan là gì?
Quyền tác giả là gì?
Quyền tác giả được ghi nhận cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học như sách, bài giảng, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm sân khấu, tác phẩm điện ảnh, tác phẩm tạo hình và mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm kiến trúc, phần mềm máy tính. Quyền tác giả tự động phát sinh từ thời điểm tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, bất kể tác phẩm đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Quyền liên quan là gì?
Quyền liên quan là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
2. Có mấy hình thức chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan?
Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan
Quy định tại Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (SHTT), chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền sau đây cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan:
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
- Các quyền tài sản theo quy định như: làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm,…;
- Quyền tài sản của người biểu diễn (Điều 29 Luật này);
- Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình (Điều 30);
- Quyền của tổ chức phát sóng.
Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân theo quy định, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền nhân thân.
Trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có quyền chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
– Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan phải được lập thành văn bản và có những nội dung chủ yếu theo quy định tại Điều 46 Luật SHTT:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
- Căn cứ chuyển nhượng;
- Giá, phương thức thanh toán;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự.
– Trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan
Chuẩn bị các hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan;
- 02 bản sao tác phẩm/bản định hình;
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan;
- Giấy ủy quyền (nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền);
- Văn bản đồng ý của đồng chủ sở hữu (nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung).
– Nộp hồ sơ tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả). Trong thời hạn mười hai ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan
Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền theo quy định như:
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
- Các quyền tài sản theo quy định như: làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm,…;
- Quyền tài sản của người biểu diễn (Điều 29 Luật này);
- Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình (Điều 30);
- Quyền của tổ chức phát sóng.
Tác giả không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
Tổ chức, cá nhân được chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan có thể chuyển quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác nếu được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
Căn cứ theo quy định tại Điều 48 Luật SHTT 2005 quy định nội dung chủ yếu của hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan như sau:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
- Căn cứ chuyển quyền;
- Phạm vi chuyển giao quyền;
- Giá, phương thức thanh toán;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự.
Trình tự, thủ tục chuyển quyền sử dụng được thực hiện theo quy định như đối với trường hợp chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan.