BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ

Bảo hộ quyền tác giả là hoạt động nhằm tôn vinh, bảo vệ thành quả của các tổ chức, cá nhân đã lao động sáng tạo, cống hiến, đóng góp lợi ích công chúng và sự tiến bộ xã hội, từ đó thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, khoa học có giá trị. Vậy bảo hộ quyền tác giả là gì và ý nghĩa việc bảo hộ quyền tác giả như thế nào?

1          Khái niệm bảo hộ quyền tác giả

Bảo hộ quyền tác giả là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận quyền tác giả của người sáng tạo ra tác phẩm, với việc ghi nhận bằng văn bằng bảo hộ các quyền nhân thân và quyền tài sản của chủ sở hữu sẽ được pháp luật bảo vệ, các chủ thể khác nếu như có hành vi xâm phạm quyền tác giả sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định các loại hình tác phẩm được bảo vệ quyền tác giả:

“1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

3. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

4. Chính phủ hướng dẫn cụ thể về các loại hình tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này.”

Bảo hộ quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm được quy định tại điều 19 và 20 tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 như sau:

  • Quyền nhân thân bao gồm các quyền:

1. Đặt tên cho tác phẩm;

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

  • Quyền tài sản bao gồm các quyền:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Như vậy, có thể hiểu bảo hộ quyền tác giả là Tổng hợp chế định pháp lý nhằm bảo hộ bằng pháp luật quyền, lợi ích của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đối với toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

2          Ý nghĩa của việc bảo hộ quyền tác giả

Bảo hộ quyền tác giả nhằm hướng tới một cộng đồng tôn trọng “tài sản trí tuệ” và điều đó chỉ có ý nghĩa nếu người sáng tạo thực sự được tôn trọng các quyền về mặt tinh thần, quyền về mặt kinh tế, được hưởng các lợi ích được khai thác từ chính tác phẩm của mình.

Bảo hộ quyền tác giả là công cụ hữu hiệu nhất nhằm khuyến khích, làm giàu và phổ biến di sản văn hoá quốc gia và văn hoá của nhân loại.

Để tạo điều kiện cho công dân phát huy được tài năng trong việc sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học có giá trị, Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ đều có những quy định nhằm giải phóng mọi năng lực sáng tạo trí tuệ của mỗi cá nhân. Các quyền nhân thân và các quyền tài sản của tác giả, của chủ thể có quyền liên quan và của chủ sở hữu quyền tác gỉa ở Việt Nam được pháp luật bảo đảm thực hiện.

Bộ luật Dân sự cùng Luật sở hữu trí tuệ quy định về quyền tác giả là cơ sở pháp lý bảo vệ quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Tạo điều kiện cho tác giả, chủ thể quyền liên quan có ý thức và trách nhiệm sáng tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học có chất lượng về nội dung và nghệ thuật cao phục vụ cho sự nghiệp giáo dục và phát triển khoa học, công nghệ của đất nước trong thời kì đổi mới. Những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ , Bộ luật Dân sự về quyền tác giả là hành lang pháp lý để cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, khoa học, bảo đảm quyền bình đẳng của cá nhân, tổ chức, và loại trừ những hoạt động văn hoá không lành mạnh làm tổn hại đến lợi ích, văn hoá truyền thống của dân tộc. Những quy định của pháp luật thực định về quyền tác giả đã tạo ra những cơ hội cho mỗi cá nhân thực sự có tài năng phát huy được năng khiếu của mình, để cống hiến cho dân tộc, cho nhân loại những tác phẩm đậm nét nhân văn phục vụ mục tiêu bình đẳng, bác ái và hợp tác vì sự phát triển chung trong thời kì khoa học, công nghệ trên thế giới phát triển không ngừng.

Tựu chung lại, một trong ý nghĩa quan trọng của chế định bảo hộ quyền tác giả trước hết là bảo hộ quyền công dân khi họ tham gia vào hoạt động sáng tạo nhằm khuyến khích nhân dân tham gia, sáng tạo ngày càng nhiều tác phẩm có giá trị. Tạo nên một nền kinh tế tri thức lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp không khói này; bảo vệ quyền và lợi ích cho những chủ thể sáng tạo, xử lý những hành vi xâm phạm quyền tác giả và bảo đảm công bằng giữa lợi ích của công dân và lợi ích của xã hội.

Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LegalTech.