NHỮNG LƯU Ý VỀ VAY VỐN NƯỚC NGOÀI NĂM 2022

NHỮNG LƯU Ý VỀ VAY VỐN NƯỚC NGOÀI?

NHỮNG LƯU Ý VỀ VAY VỐN NƯỚC NGOÀI?

Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh nên các chính sách kích thích, hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp cũng được ưu ái hơn. Từ đó nhu cầu huy động và sử dụng vốn của doanh nghiệp tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế đang được kích thích phát triển. Tuy nhiên, nhu cầu thì ngày càng nhiều mà nguồn vốn để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển lại có hạn nên việc sử dụng các khoản vay từ nhiều nguồn khác nhau luôn là một phương án hữu hiệu trong việc quản lý tài chính doanh nghiệp. Trong khuôn khổ quản lý nợ nước ngoài của Chính phủ Việt Nam và quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp đi vay khi thực hiện vay, trả nợ nước ngoài phải tuân thủ các điều kiện vay, trả nợ nước ngoài; thực hiện đăng ký khoản vay, mở và sử dụng tài khoản, rút vốn và chuyển tiền, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mặc dù hiện nay hầu hết các các doanh nghiệp đi vay đã thực hiện đúng các quy định về vay, trả nợ nước ngoài này, tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ dẫn đến hiểu sai quy định khi thực hiện khoản vay nước ngoài và dẫn đến một số hậu quả đáng tiếc. Vậy, những nào phải chú trọng khi vay vốn nước ngoài? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

NHỮNG LƯU Ý VỀ VAY VỐN NƯỚC NGOÀI?

1. Vậy khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh là gì? 

Theo quy định Khoản 2 Điều 3 Nghị định 219/2013/NĐ-CP, khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh hay còn gọi là “vay nước ngoài tự vay, tự trả”, là việc bên đi vay thực hiện vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ với bên cho vay nước ngoài (“Khoản Vay Nước Ngoài”).

Như vậy, một công ty thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (bao gồm công ty có vốn đầu tư nước ngoài) (“Bên Đi Vay”) được phép vay vốn từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài (“Bên Cho Vay”) để đáp ứng nhu cầu vốn của Bên Đi Vay, thì khoản vay giữa Bên Đi Vay và Bên Cho Vay này cũng được gọi là Khoản Vay Nước Ngoài và phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật Việt Nam về vay, trả nợ nước ngoài.

Tuy nhiên, đối với khoản vay mà Bên Cho Vay – là cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên (ví dụ đã được cấp thẻ tạm trú cho thời hạn từ 12 tháng trở lên). Khoản vay đó không được xem là Khoản Vay Nước Ngoài và không chịu sự điều chỉnh bởi các quy định pháp luật Việt Nam về vay, trả nợ nước ngoài.

2. Các vấn đề pháp lý cơ bản cần lưu ý đối với Khoản Vay Nước Ngoài

  • Đăng ký với Ngân hàng Nhà nước

Khoản vay thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký/không đăng ký với Ngân hàng Nhà nước bao gồm:

  • Khoản vay ngắn hạn nước ngoài (“Khoản Vay Ngắn Hạn”) có thời hạn vay không quá một năm không là đối tượng phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước (trừ trường hợp khoản vay ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn khoản vay trên một năm hoặc không được gia hạn nhưng vẫn còn dư nợ gốc sau 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn một năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên);
  • Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài (“Khoản Vay Trung, Dài Hạn”) với thời hạn vay trên một năm hoặc khoản vay ngắn hạn được gia hạn hoặc vẫn còn dư nợ sau khi kết thúc thời hạn vay như nêu trên, Bên Đi Vay sẽ phải tiến hành thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước;
  • Tuy nhiên, Khoản Vay Trung, Dài Hạn dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm không cần phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.

Bên Đi Vay phải nộp hồ sơ đăng ký khoản vay cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày:

  • Các bên ký thỏa thuận gia hạn Khoản Vay Ngắn Hạn thành Khoản Vay Trung, Dài Hạn;
  • Ngày tròn một năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với Khoản Vay Ngắn Hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thười điểm tròn một năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên; hoặc
  • Các bên ký hợp đồng vay trung, dài hạn hoặc thỏa thuận rút vốn (nếu các bên đã ký hợp đồng khung về việc vay trung, dài hạn).

Bên Đi Vay cần lưu ý, khi thay đổi bất kỳ nội dung nào liên quan đến Khoản Vay Nước Ngoài đã được đề cập tại văn bản xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước, Bên Đi Vay có trách nhiệm phải thực hiện đăng ký thay đổi Khoản Vay Nước Ngoài với Ngân hàng Nhà nước, trừ một số trường hợp Bên Đi Vay chỉ phải gửi thông báo với Ngân hàng Nhà nước, bao gồm: Kế hoạch rút vốn, trả nợ, chuyển phí thay đổi trong vòng 10 (mười) ngày so với kế hoạch rút vốn, trả nợ, chuyển phí đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận trước đó; Thay đổi địa chỉ Bên Đi Vay trong tỉnh, thành phố nơi Bên Đi Vay đặt trụ sở chính; Thay đổi Bên Cho Vay, các thông tin liên quan về Bên Cho Vay hoặc thay đổi tên giao dịch thương mại của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản.

Bên Đi Vay phải thực hiện đăng ký/ thông báo thay đổi trong vòng 30 ngày kể từ ngày thay đổi hoặc nhận được thông báo thay đổi. Trường hợp Bên Đi Vay không thực hiện thủ tục đăng ký/đăng ký thay đổi Khoản Vay Nước Ngoài tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì Bên Đi Vay có thể bị xử phạt hành chính lên đến 60.000.000 đồng.

  • Tài khoản nhận tiền vay

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Thông tư Thông tư 03/2016/TT-NHNN: Tài khoản vay, trả nợ nước ngoài là tài khoản thanh toán của Bên Đi Vay mở tại ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để thực hiện rút vốn, trả nợ Khoản Vay Nước Ngoài và các giao dịch chuyển tiền khác liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài, bảo lãnh cho khoản vay nước ngoài (“Tài Khoản Vay”).

Căn cứ các quy định về tài khoản nhận tiền vay theo quy định của pháp luật ngoại hối, có thể phân loại thành hai đối tượng như sau:

  • Bên Đi Vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; và
  • Bên Đi Vay không là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm:

  • Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; hoặc
  • Doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:
    1. Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
    2. Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
    3. Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
  • Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Như vậy, đối với Bên Đi Vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì

  • Nếu là Khoản Vay Trung, Dài Hạn, khoản vay này phải được chuyển vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp (“DICA”), sau đó từ DICA có thể giải ngân vào tài khoản thanh toán của doanh nghiệp để chi trả cho các mục đích vay;
  • Nếu là Khoản Vay Ngắn Hạn, khoản vay này có thể được chuyển vào DICA tương tự như trường hợp nêu trên hoặc Tài Khoản Vay (không phải DICA) của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà tài khoản này chỉ sử dụng cho mục đích nhận tiền vay và trả nợ vay liên quan đến các khoản vay nước ngoài ngắn hạn. Mỗi Khoản Vay Ngắn Hạn chỉ được thực hiện thông qua một ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản. Bên Đi Vay có thể dùng một tài khoản cho một hoặc nhiều khoản vay nước ngoài ngắn hạn.

Đối với Bên Đi Vay không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: khoản vay nước ngoài (bất kỳ là Khoản Vay Ngắn Hạn hay Trung, Dài Hạn) đều sẽ được chuyển vào Tài Khoản Vay. Mỗi Khoản Vay Nước Ngoài này chỉ được thực hiện thông qua một ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản và Bên Đi Vay cũng có thể dùng một tài khoản cho một hoặc nhiều khoản vay nước ngoài ngắn hạn.

3. Vậy trường hợp Bên Cho Vay là cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên có nhu cầu cho Bên Đi Vay vay tiền thì sẽ áp dụng như thế nào?

Đối với Bên Cho Vay là cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên:theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 219/2013/NĐ-CP thì vay nước ngoài là việc Bên Đi Vay nhận khoản tín dụng từ người không cư trú thông qua việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận vay nước ngoài dưới hình thức hợp đồng vay, hợp đồng mua bán hàng trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ của Bên Đi Vay. Do đó, trường hợp Bên Cho Vay là cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên, khoản vay này không được xem là Khoản Vay Nước Ngoài và không chịu sự điều chỉnh bởi các quy định pháp luật Việt Nam về vay, trả nợ nước ngoài. Do đó:

  • Nếu Bên Cho Vay cho vay bằng nguồn thu nhập hợp pháp tại Việt Nam: Các Bên có thể tự do thỏa thuận cho vay theo quy định pháp luật dân sự mà không chịu sự điều chỉnh bởi quy định pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài.
  • Nếu Bên Cho Vay sử dụng nguồn thu hợp pháp tại nước ngoài cho vay: Mặc dù khoản vay này không được xem là Khoản Vay Nước Ngoài và không chịu sự điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài. Nhưng hiện tại pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý điều chỉnh và quy định rõ ràng cho trường hợp này. Do đó, trên thực tế để Bên Đi Vay nhận được khoản vay này từ Bên Cho Vay, một số ngân hàng đã hướng dẫn chuyển tiền thông qua DICA hoặc Tài Khoản Vay như quy định về Khoản Vay Nước Ngoài ở trên.

Trường hợp, các bên không tuân thủ các quy định trên liên quan đến nhận tiền vay, thì có thể bị phạt hành chính nếu có hành vi vi phạm như sau:

  • Không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc mở, đóng, sử dụng tài khoản tại Việt Nam để thực hiện một trong các hoạt động: Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; vay, trả nợ nước ngoài…, với mức xử phạt hành chính lên đến 100.000.000 đồng;
  • Thực hiện việc rút vốn, trả nợ đối với các khoản vay nước ngoài không đúng quy định của pháp luật, với mức xử phạt hành chính lên đến 100.000.000 đồng;
  • Không chấp hành các quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài (trừ các hành vi nêu trên), với mức xử phạt hành chính lên đến 400.000.000 đồng;
  • Cho vay bằng hình thức thanh toán tiền mặt, với mức xử phạt hành chính lên đến 400.000.000 đồng, buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm;

Ngoài ra, Bên Cho Vay có thể phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp/thuế thu nhập cá nhân từ thu nhập tiền lãi vay và phải được giữ lại bởi Bên Đi Vay để kê khai và nộp thuế cho cơ quan thuế có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Trên đây là một số vấn đề pháp lý liên quan đến vay vốn nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh mà Bên Đi Vay cần phải nắm rõ và tuân thủ để thực hiện đúng, hạn chế sai sót dẫn đến hậu quả đáng tiếc. 

LegalTech - Luôn vì bạn

Liên hệ – LegalTech

Phone: 0936 554 127

Email: info@legaltech.vn