QUYỀN YÊU CẦU PHẢN TỐ CỦA BỊ ĐƠN TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

Trong quá trình tham gia tố tụng, ngoài việc nguyên đơn được nêu ra yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề mà nguyên đơn cho rằng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bị đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có quyền nêu ra những yêu cầu của mình. Nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được đưa ra yêu cầu độc lập trong vụ án mà mình  liên quan đến thì bị đơn cũng có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trong quá trình bị khởi kiện. Vậy, yêu cầu phản tố của bị đơn là gì và được thực hiện trong giai đoạn nào, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Căn cứ pháp lý:

  1. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
  2. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

1. Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Đầu tiên cần hiểu, phản tố là một quyền cơ bản của bị đơn (tức là người bị kiện) trong một vụ án dân sự bất kì. Hiểu đơn giản, phản tố có nghĩa là người bị kiện có quyền khởi kiện ngược lại người đã làm đơn khởi kiện mình (tức là nguyên đơn). Theo quy định tại khoản 4 Điều 72, khoản 1 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Điều kiện để yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận khi yêu cầu phản tố đó thỏa mãn một trong các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

Thứ nhất, yêu cầu phản tố phải dùng để bù trừ nghĩa vụ đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Thứ hai, yêu cầu phản tố khi được chấp nhận sẽ làm loại trừ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Thứ ba, yêu cầu phản tố phải có sự liên quan với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mà khi giải quyết trong cùng một vụ án sẽ nhanh chóng và chính xác hơn.

Có thể thấy, việc bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố khi đảm bảo một trong các điều kiện theo quy định cũng tương tự với việc đưa ra một yêu cầu khởi kiện mới nhưng yêu cầu phản tố đó được giải quyết trong cùng một vụ án với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Vì vậy, khi đưa ra yêu cầu phản tố, bị đơn có quyền và nghĩa vụ của một nguyên đơn đối với yêu cầu phản tố của mình.

2. Thời điểm bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố

2.1. Giai đoạn chuẩn bị xét xử

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 199 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo thụ lý vụ án, bị đơn phải nộp văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cùng với đó, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố nếu có.

Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, yêu cầu phản tố của bị đơn phải được đưa ra trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Từ hai quy định trên có thể thấy, thời gian để bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố của mình là thời điểm từ khi nhận thông báo thụ lý đến trước phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tuy nhiên, pháp luật về tố tụng dân sự không quy định cụ thể số lần mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Trên thực tế, Thẩm phán muốn tạo điều kiện hỗ trợ các bên, tạo điều kiện cho các bên trong việc hòa giải cũng như làm rõ các chứng cứ liên quan nên Thẩm phán có thể mở phiên họp nhiều lần. Chính vì vậy, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố của mình trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần cuối cùng là hợp lý.

2.2. Giai đoạn tiến hành xét xử

Theo quy định tại Điều 243 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong thủ tục hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu, bị đơn có quyền thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố của mình.

Vì vậy tại thời điểm này, bị đơn có quyền thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố của mình đối với nguyên đơn cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Trong trường hợp này, Hội đồng xét xử sẽ là bên có thẩm quyền xem xét có chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hay không.

3. Án phí, lệ phí liên quan khi bị đơn có yêu cầu phản tố

Việc đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn đồng nghĩa với việc bị đơn phát sinh yêu cầu liên quan đến lợi ích của bản thân. Bị đơn có nghĩa vụ phải nộp tiền tạm ứng án phí cho phần yêu cầu của mình. Tương tự, khi yêu cầu phản tố của bị đơn bị Tòa án bác bỏ sau khi ra phán quyết cuối cùng thì bị đơn cũng phải chịu phần án phí liên quan đến phần yêu cầu không được chấp nhận đó.

Căn cứ khoản 1 Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bị đơn có yêu cầu phản tố có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm. Cũng theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, mức tạm ứng án phí cho yêu cầu phản tố của bị đơn được quy định như sau:

  1. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng với mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự sơ thẩm không có giá ngạch;
  2. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch.

Chi tiết về mức án phí dân sự được quy định tại khoản 1 Mục II Danh mục án phí được ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

4. Bị đơn nên lựa chọn đưa ra yêu cầu phản tố hay khởi kiện tại một vụ án mới

Đối với yêu cầu khởi kiện tại một vụ án dân sự mới, bị đơn phải tiến hành nộp đơn khởi kiện, thực hiện các thủ tục khởi kiện của một nguyên đơn. Bị đơn lúc này sẽ phải mất thời gian chờ thụ lý vụ án, chờ thời gian chuẩn bị xét xử từ 02 đến 04 tháng tùy vào từng loại vụ án dân sự khác nhau quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Sau đó là quá trình xét xử tại Tòa án, bị đơn có thể phải mất thêm thời gian khi phiên tòa có thể bị tạm ngừng trong quá trình xét xử.

Đối với yêu cầu phản tố, bị đơn sẽ tiết kiệm được thời gian hơn. Thời gian bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố kéo dài từ thời điểm bị đơn nhận được thông báo thụ lý vụ án đến trước phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần cuối cùng. Ngoài ra, trong giai đoạn tiến hành xét xử bị đơn cũng có quyền thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố của mình. Vì vậy, bị đơn đã tiết kiệm được một khoảng thời gian phát sinh khi đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập để giải quyết trong cùng một vụ án.

Có thể thấy, khi bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố hay khởi kiện trong một vụ án dân sự mới thì mức tạm ứng án phí là giống nhau vì mức tạm ứng đều dựa trên yêu cầu phản tố/yêu cầu khởi kiện của bị đơn. Tuy nhiên, nếu bị đơn khởi kiện tại một vụ án dân sự mới mà bị đơn trong vụ án dân sự này có yêu cầu phản tố ngược lại, trong trường hợp thua kiện, bị đơn sẽ phải chịu cả mức án phí cho yêu cầu phản tố được Tòa án chấp nhận khi đưa ra phán quyết cuối cùng. Vì vậy, dựa trên phương diện thời gian, việc bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố sẽ tiết kiệm được thời gian cũng như công sức hơn so với việc khởi kiện tại một vụ án dân sự mới.

Trên đây là những thông tin liên quan đến quyền yêu cầu phản tố của bị đơn trong vụ án dân sự. Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ : 

LegalTech - Luôn vì bạn

Liên hệ – LegalTech

Phone: 0936 554 127

Email: info@legaltech.vn