QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ 2022

Bảo hộ quyền tác giả là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận quyền tác giả của người sáng tạo ra tác phẩm. Vậy điều kiện bảo hộ quyền tác giả là gì? Loại hình tác phẩm nào thì được bảo hộ? Và thủ tục đăng ký quyền tác giả như thế nào? Để giải đáp các thắc mắc trên, LegalTech xin giới thiệu bài viết: “Quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả 2022” để bạn đọc tham khảo.

CĂN CỨ PHÁP LÝ:

– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 và năm 2019.

Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 (sau đây gọi chung là Luật sở hữu trí tuệ) về quyền tác giả, quyền liên quan.

 1. Điều kiện bảo hộ quyền tác giả

Căn cứ Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ, điều kiện bảo hộ quyền tác giả bao gồm:

– Là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả.

– Là tổ chức, cá nhân Việt Nam hay nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào.

– Là tổ chức, cá nhân Việt Nam hay nước ngoài có tác phẩm được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác.

– Là tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

2. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

– Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học: Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; Tác phẩm báo chí…

– Tác phẩm phái sinh (nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh). Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Lưu ý:

– Những tác phẩm được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

– Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Đăng ký quyền tác giả

Theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Cho nên việc đăng ký quyền tác giả là việc nộp đơn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền là để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả. Do đó, đây không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả.

4. Đơn đăng ký quyền tác giả

Theo khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ, đơn đăng ký quyền tác giả bao gồm:

– Tờ khai đăng ký quyền tác giả;

– 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả;

– Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;

– Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn (nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa);

– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả (nếu tác phẩm có đồng tác giả);

– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu (nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung).

Lưu ý: Các tài liệu phải được làm bằng tiếng Việt.

5. Thủ tục đăng ký quyền tác giả

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký.
  • Bước 2: Nộp 01 bộ hồ sơ tại Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng. Hồ sơ có thể gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
  • Bước 3: Nộp phí từ 100.000 – 600.000 đồng/Giấy chứng nhận tùy vào loại hình tác phẩm.
  • Bước 4: Đợi kết quả xử lý hồ sơ. Thời hạn là 15 ngày làm việc, kể từ nhận đơn hợp lệ.

Trên đây là những thông tin liên quan đến đăng ký quyền tác giả. Để được tư vấn chi tiết, xin vui lòng liên hệ thông tin sau:

LegalTech - Luôn vì bạn

Liên hệ – LegalTech

Phone: 0936 554 127 (Ms. Thuan)

Email: info@legaltech.vn