1.Nguyên nhân và hệ quả.
Vì giảm thiểu các chi phí một cách tối đa một số doanh nghiệp né tránh không ký kết hợp đồng lao động với nhân viên để tránh phải chi trả cho các khoản như : Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí quản lý nhân sự,…
Điều này là hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến các quyền lợi, an toàn của người lao động một cách nghiêm trọng. Quan trọng hơn hết điều này có thể ảnh hưởng đến sự trật tự, an ninh của xã hội vì khó có thể quản lý khi nhà tuyển dụng không có hợp đồng lao động để quản lý người lao động hay có các thông tin chính xác của người lao động khi cần thiết.
Vì tránh các rủi ro trên nên người lao động và nhà tuyển dụng nên ký kết hợp đồng lao động trước khi làm việc theo điều 13 Bộ Luật Lao Động 2019 về hợp đồng lao động.
2.Các quy định về hợp đồng lao động
Theo Điều 14 và Điều 15 của Bộ Luật Lao động 2019:
Có ba hình thức giao kết hợp đồng, trong đó:
- Hình thức hợp đồng lao động có thể được giao kết bằng văn bản, giao kết bằng phương tiện điện tử (có giá trị pháp lý như nhau).
- Trong trường hợp giao kết hợp đồng bằng lời nói thì chỉ có thời hạn dưới 1 tháng.
- Trừ các trường hợp tại quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 Bộ Luật Lao Động 2019 thì bắt buộc phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản dù có thời hạn dưới một tháng trong đó có cá trường hợp.
. Giao kết hợp đồng lao động với nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên thông qua một người lao động trong nhóm được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động để làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
. Giao kết hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi.
. Giao kết hợp đồng lao động với lao động là người giúp việc gia đình.
Hợp đồng lao động được giao kết dựa trên 2 nguyên tắc:
- Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
- Tự do kết giao hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thoả ước lao động tập thể và đạo đức xa hội.
3.Các mức xử phạt khi vi phạm về giao kết hợp đồng lao động.
Theo điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau
Điều 8. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;
b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;
c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Buộc giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên người lao động và nhà tuyển dụng nên ký kết hợp đồng lao động để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra cả hai bên.
Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LegalTech.