NGƯỜI NƯỚC NGOÀI SỞ HỮU NHÀ Ở TẠI VIỆT NAM

Đối với người nước ngoài khi vào Việt Nam học tập, làm việc và sinh sống lâu dài, chắc hẳn việc sở hữu nhà ở là một trong những điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của họ. Tuy nhiên, để người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì họ phải đáp ứng những điều kiện như thế nào, nhà ở được người nước ngoài sở hữu phải thuộc hình thức nào, tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

1. Luật Nhà ở 2014;

2. Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

1. Đối tượng nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

        Theo quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở 2014, các đối tượng nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam;
  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (gọi chung là tổ chức nước ngoài);
  • Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

      Theo đó, đối với cá nhân nước ngoài, để sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện như sau:

  • Được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định tại khoản 3 Điều 160 Luật Nhà ở 2014;
  • Phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở

        Như vậy, cá nhân nước ngoài thuộc một trong những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nếu cá nhân đó đáp ứng được điều kiện về việc được phép nhập cảnh vào Việt Nam, có hộ chiếu còn giá trị được đóng dấu của Cục quản lý xuất nhập cảnh và không thuộc trường hợp ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.

2. Hình thức mà tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam

        Căn cứ khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở 2014, tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau:

  • Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật có liên quan;
  • Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

       Đối với trường hợp mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại, căn cứ khoản 2 Điều 76 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được:

  • Mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở;
  • Mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài;
  • Chỉ được nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở của hộ gia đình, cá nhân hoặc nhận tặng cho nhà ở của tổ chức trong số lượng nhà ở theo quy định tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép sở hữu.

       Từ hai quy định trên có thể hiểu, cá nhân nước ngoài khi đáp ứng đủ các điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quyền sở hữu căn hộ chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ nằm trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam.

       Bên cạnh đó, người nước ngoài sở hữu các loại nhà ở nêu trên tại Việt Nam bằng các hình thức sau:

       Thứ nhất, nhận chuyển nhượng nhà ở từ chủ đầu tư dự án hoặc của tổ chức, cá nhân nước ngoài khác.

       Thứ hai, chỉ được nhận chuyển nhượng nhà ở từ cá nhân Việt Nam thông qua hình thức nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở của hộ gia đình, cá nhân hoặc nhận tặng cho nhà ở của tổ chức.

      Thứ ba, đối với trường hợp vợ (chồng) là người Việt Nam và người còn lại là công dân nước ngoài cùng đứng tên đồng sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở 2014, khi người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam. Vì vậy, trong trường hợp này, người nước ngoài chỉ được nhận chuyển nhượng nhà ở là tài sản chung của vợ (chồng) có yếu tố nước ngoài như đã nêu trên thông qua hình thức nhận thừa kế, nhận tặng cho.

 

Trên đây là những thông tin liên quan đến việc người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

LegalTech - Luôn vì bạn

Liên hệ – LegalTech

Phone: 0936 554 127

Email: info@legaltech.vn