ĐẤU THẦU HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ CÓ NHỮNG QUY ĐỊNH NÀO THEO LUẬT THƯƠNG MẠI

Đấu thầu là thuật ngữ được mọi người thường xuyên sử dụng trong cuộc sống hàng ngày để chỉ các giao dịch có tính chất cạnh tranh công khai như ra giá cao hơn hay điều kiện tốt hơn để được chọn chiến thắng trong giao dịch đó.

1. Đấu thầu hàng hoá, dịch vụ có nghĩa là gì?

Hoạt động thương mại, theo đó một bên mua hàng hoá, dịch vụ thông qua mời thầu (gọi là bên mời thầu) nhằm lựa chọn trong số các thương nhân tham gia đấu thầu (gọi là bên dự thầu) thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do bên mời thầu đặt ra và được lựa chọn để ký kết và thực hiện hợp đồng (gọi là bên trúng thầu) được gọi là đấu thầu hàng hoá, dịch vụ.

2. Các hình thức đấu thầu.

Có hai hình thức khi đấu thầu hàng hoá, dịch vụ:

  • Đấu thầu rộng rãi là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu không hạn chế số lượng các bên dự thầu;
  • Đấu thầu hạn chế là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu chỉ mời một số nhà thầu nhất định dự thầu.

Lưu ý: Hình thức này do bên mời thầu quyết định.

3. Phương thức đấu thầu.

Có hai phương thức đấu thầu:

  • Đấu thầu một túi hồ sơ. Phương thức này bên dự thầu nộp hồ sơ gồm đề xuất về kỹ thuật đề xuất về tài chính trong một túi hồ sơ theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu và việc mở thầu được tiến hành một lần.
  • Đấu thầu hai túi hồ sơ. Phương thức này bên dự thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm đề xuất về kỹ thuật, đề xuất về tài chính trong từng túi hồ sơ riêng biệt được nộp trong cùng một thời điểm và việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở trước.

4. Các bước đấu thầu hàng hoá, dịch vụ.

Bước 1: Mời thầu;

Bên mời thầu chuẩn bị hồ sơ mời thầu bao gồm các hồ sơ sau:

  • Thông báo mời thầu
  • Các yêu cầu liên quan đến hàng hoá, dịch vụ được đấu thầu;
  • Phương pháp đánh giá, so sánh, xếp hạng và lựa chọn nhà thầu;
  • Các chỉ dẫn khác liên quan đến việc đấu thầu.

Lưu ý: Bên mời thầu quyết định về chi phí về việc cung cấp hồ sơ cho bên dự thầu.

Bước 2: Dự thầu;

  • Bảo đảm dự thầu được thực hiện dưới hình thức đặt cọc, ký quỹ hoặc bảo lãnh dự thầu.
  • Bên mời thầu có thể yêu cầu bên dự thầu nộp tiền đặt cọc, ký quỹ hoặc bảo lãnh dự thầu khi nộp hồ sơ dự thầu. Tỷ lệ tiền đặt cọc, ký quỹ dự thầu do bên mời thầu quy định, nhưng không quá 3% tổng giá trị ước tính của hàng hoá, dịch vụ đấu thầu.
  • Bên mời thầu quy định hình thức, điều kiện đặt cọc, ký quỹ hoặc bảo lãnh dự thầu. Trong trường hợp đặt cọc, ký quỹ thì tiền đặt cọc, ký quỹ dự thầu được trả lại cho bên dự thầu không trúng thầu trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày công bố kết quả đấu thầu.
  • Bên dự thầu không được nhận lại tiền đặt cọc, ký quỹ dự thầu trong trường hợp rút hồ sơ dự thầu sau thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thầu (gọi là thời điểm đóng thầu), không ký hợp đồng hoặc từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp trúng thầu.
  • Bên nhận bảo lãnh cho bên dự thầu có nghĩa vụ bảo đảm dự thầu cho bên được bảo lãnh trong phạm vi giá trị tương đương với số tiền đặt cọc, ký quỹ.
  • Bên mời thầu phải bảo mật hồ sơ dự thầu.
  • Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức đấu thầu và xét chọn thầu phải giữ bí mật thông tin liên quan đến việc đấu thầu.

Bước 3: Mở thầu;

  • Mở thầu là việc tổ chức mở hồ sơ dự thầu tại thời điểm đã được ấn định hoặc trong trường hợp không có thời điểm được ấn định trước thì thời điểm mở thầu là ngay sau khi đóng thầu.
  • Những hồ sơ dự thầu nộp đúng hạn phải được bên mời thầu mở công khai. Các bên dự thầu có quyền tham dự mở thầu.
  • Những hồ sơ dự thầu nộp không đúng hạn không được chấp nhận và được trả lại cho bên dự thầu dưới dạng chưa mở.

Bước 4: Đánh giá, so sánh hồ sơ dự thầu;

Hồ sơ dự thầu được đánh giá và so sánh theo từng tiêu chuẩn làm căn cứ để đánh giá toàn diện.

Các tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu do bên mời thầu quy định.

Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 227 Luật thương mại 2005 được đánh giá bằng phương pháp cho điểm theo thang điểm hoặc phương pháp khác đã được ấn định trước khi mở thầu.

Bước 5: Lựa chọn nhà thầu.

  • Căn cứ vào kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu phải xếp hạn và lựa chọn các bên dự thầu theo phương pháp đã được ấn định.
  • Trong trường hợp có nhiều bên tham gia dự thầu có số điểm, tiêu chuẩn trúng thầu ngang nhau thì bên mời thầu có quyền chọn nhà thầu.

Bước 6: Thông báo và ký kết hợp đồng;

Ngay sau khi có kết quả đấu thầu, bên mời thầu có trách nhiệm thông báo kết quả đấu thầu cho bên dự thầu.

Bên mời thầu tiến hành hoàn thiện và ký kết hợp đồng với bên trúng thầu trên cơ sở sau đây:

  • Kết quả đấu thầu;
  • Các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu;
  • Nội dung nêu trong hồ sơ dự thầu. 

Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LegalTech.