1. Quy định chung:
Theo Điều 5 và Điều 54 Luật Giáo dục năm 2019, nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, bao gồm nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài là các cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài.
Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn bao gồm trung tâm đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, văn hóa, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, kể cả cơ sở đào tạo, bồi dưỡng do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ được phép hoạt động tại Việt Nam thành lập.
Theo đó, để nhà đầu tư đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn phải đáp ứng các điều kiện sau:
2. Cơ sở pháp lý:
– Luật doanh nghiệp 2020
– Luật đầu tư 2020
– Luật giáo dục 2019
– Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục
3. Những điều kiện cho phép hoạt động
Theo Điều 45 nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định điều kiện cho phép hoạt động, như sau:
– Thứ nhất, Có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn
– Thứ hai, Có vốn đầu tư, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình giáo dục, đội ngũ nhà giáo đáp ứng theo quy định, cụ thể:
+ Vốn đầu tư: có suất đầu tư ít nhất là 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất. Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% mức quy định trên.
+ Cơ sở vật chất:
• Có phòng học phù hợp về ánh sáng, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng giảng dạy;
• Có diện tích dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 2,5 m2/người học đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn;
• Có văn phòng của ban giám đốc, lãnh đạo, phòng giáo viên, thư viện và các phòng chức năng khác.
• Thuê cơ sở vật chất ổn định theo chu kỳ thời gian ít nhất 05 năm.
+ Chương trình giáo dục: Phải thể hiện mục tiêu giáo dục, không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo
+ Đội ngũ nhà giáo
• Giáo viên ít nhất phải có trình độ cao đẳng hoặc tương đương, có ngành đào tạo phù hợp với chuyên môn được phân công giảng dạy;
• Tỷ lệ học viên/giáo viên quy đổi tối đa là 25 học viên/giáo viên.
– Thứ ba, Có quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
4. Hồ sơ và thẩm quyền cho phép hoạt động
– Hồ sơ đăng ký hoạt động gồm:
+ Đơn đăng ký hoạt động giáo dục theo Mẫu số 16
+ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu Quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài;
+ Quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục;
+ Báo cáo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tình hình góp vốn, vay vốn, tổng số vốn đầu tư đã thực hiện;
+ Báo cáo giải trình về việc cơ sở giáo dục hoặc phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học đã đáp ứng các nội dung quy định về vốn đầu tư, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình giáo dục, đội ngũ nhà giáo;
+ Danh sách hiệu trưởng (giám đốc), phó hiệu trưởng (phó giám đốc), trưởng các khoa, phòng, ban và kế toán trưởng. Đối với hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục của phân hiệu cơ sở giáo dục đại học, cần bổ sung danh sách cán bộ phụ trách phân hiệu và cơ cấu, bộ máy tổ chức của phân hiệu;
+ Danh sách và lý lịch cá nhân của cán bộ, giáo viên, giảng viên (cơ hữu, thỉnh giảng);
+ Mô tả cấp học, trình độ đào tạo, ngành đào tạo;
+ Chương trình, kế hoạch giảng dạy, tài liệu học tập, danh mục sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chính;
+ Đối tượng tuyển sinh, quy chế và thời gian tuyển sinh;
+ Quy chế đào tạo;
+ Quy mô đào tạo (học sinh, sinh viên, học viên);
+ Các quy định về học phí và các loại phí liên quan;
+ Quy định về kiểm tra, đánh giá, công nhận hoàn thành chương trình môn học, mô đun, trình độ đào tạo;
+ Mẫu văn bằng, chứng chỉ sẽ được sử dụng.
– Thẩm quyền cho phép hoạt động:
Sở giáo dục và đào tạo có thẩm quyền cho phép hoạt động, trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ cơ quan tiếp nhận hồ sơ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định các điều kiện theo quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét., quyết định cho phép hoạt động.
Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LegalTech.