Tình huống: Doanh nghiệp tôi gặp khó khăn do hậu Covid và biến động kinh tế thế giới ảnh hưởng. Vậy tôi muốn tạm ngừng hoạt động kinh doanh một thời gian có được không? Và điều kiện, thủ tục để thực hiện việc tạm ngừng này như thế nào?
1. Điều kiện để doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh
Theo Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tạm ngừng kinh doanh như sau:
1. Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây:
a) Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;
b) Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.
3. Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Như vậy, có thể nói tạm ngừng kinh doanh là quyền của doanh nghiệp, nó tương tự như quyền được đăng ký hoạt động, thay đổi đăng ký kinh doanh và giải thể, phá sản công ty. Và các điều kiện để tạm ngừng hoạt động kinh doanh bao gồm:
- Doanh nghiệp cần soạn thảo hồ sơ tạm ngừng kinh doanh hợp lệ gửi đến cơ quan quản lý trước 03 ngày kể từ ngày chính thức tạm ngừng kinh doanh;
- Mã số thuế, mã số doanh nghiệp không bị tạm khóa hoặc có văn bản hạn chế thay đổi của cơ quan quản lý (cơ quan thuế, phòng đăng ký kinh doanh): nhiều doanh nghiệp nợ thuế, không kê khai báo cáo thuế quá thời gian quy định hoặc bị xử phạt hành chính nhưng chưa chấp hành khiến cơ quan chức năng có những động thái này;
- Trước khi tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không bị treo hồ sơ hoặc chưa hoàn tất các hồ sơ liên quan khác trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp thực hiện sửa đổi thông tin công ty hoặc thêm vốn, cổ đông, thay đổi trụ sở và hoàn tất hồ sơ nộp tới Sở kế hoạch và đầu tư nhưng nhận được phản hồi yêu cầu bổ sung. Với yêu cầu này thì buộc doanh nghiệp phải hoàn tất hồ sơ hoặc thủ tục trước đó để bắt đầu quá trình nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh;
- Đã tạm ngừng kinh doanh các đơn vị trực thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) của công ty.
Có thể thấy, vo với quy định cũ thì ở Luật Doanh nghiệp 2020 đã giảm thời gian thông báo tạm ngừng kinh doanh cho doanh nghiệp từ 15 ngày xuống còn 3 ngày.
2. Thời hạn tạm ngừng hoạt động kinh doanh
Trường hợp là doanh nghiệp: Theo quy định cũ thời hạn tạm ngừng kinh doanh tối đa là 2 năm. Tuy nhiên, Nghị định 01/2021/NĐ-CP không còn quy định này. Vì vậy, mỗi lần tạm ngừng kinh doanh tối đa 1 năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh nhiều lần liên tiếp mà không giới hạn thời giạn cho tổng các lần tạm ngưng.
3. Thủ tục, hồ sơ cần để doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh
a. Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh
Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:
- Thông báo tạm ngừng kinh doanh
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh; Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản hợp của Hội đồng quản trị đối với Công ty cổ phần; Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Trường hợp doanh nghiệp ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục thì cần có giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền kèm theo bản sao CMND hoặc CCCD của người được ủy quyền
b. Thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh
Nộp hồ sơ trực tiếp;
– Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh
– Người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp có thể được nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc chuyển vào tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp không được hoàn trả cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp.
Nộp hồ sơ qua mạng thông tin điện tử:
Bước 1: Đăng ký tài khoản tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
Bước 2: Nhập thông tin hồ sơ đầy đủ vào hệ thống đăng ký kinh doanh;
Bước 3: Scan và đính kèm file hồ sơ lên hệ thống;
Bước 4: Xác nhận và nộp hồ sơ.