Doanh nghiệp siêu nhỏ như những tế bào của nền kinh tế, để nền kinh tế phát triển thì từng tế bào phải phát triển. Muốn giúp điều đó xảy ra nên nhà nước đã có những ưu tiên nhất định đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ như miễn giảm nhiều loại thủ tục lao động; áp dụng thủ tục hành chính về thuế, kế toán đơn giản hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác.
I. Các ưu tiên mà doanh nghiệp siêu nhỏ có được
1. Doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải ban hành nội quy lao động bằng văn bản
Theo Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 thì các doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản. Và trong khoản 1 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định những doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động không bắt buộc phải có nội quy lao động bằng văn bản. Việc không phải ban hành nội quy lao động sẽ giúp doanh nghiệp siêu nhỏ tiết kiệm thời gian để chú tâm vào phát triển doanh nghiệp.
2. Không phải thực hiện thủ tục đăng ký nội quy lao động
Theo Điều 119 Bộ luật Lao động 2019 thì “doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người lao động đăng ký kinh doanh”. Như vậy, doanh nghiệp siêu nhỏ sử dụng dưới 10 người lao động sẽ không phải thực hiện thủ tục này.
3. Không phải ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc
Theo Điều 48 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp có trách nhiệm ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc để thực hiện các nội dung quy định về đối thoại tại nơi làm việc và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) để hoàn thiện và ban hành. Đối với những góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động mà doanh nghiệp không tiếp thu thì phải nêu rõ lý do.
Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc phải được phổ biến công khai tới người lao động.
Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 114 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động thì không phải ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
4. Không phải tổ chức hội nghị người lao động
Theo khoản 4 Điều 114 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì doanh nghiêp siêu nhỏ sử dụng dưới 10 người lao động không phải tổ chức hội nghị người lao động.
5. Không bắt buộc phải có kế toán trưởng
Doanh nghiệp siêu nhỏ để hưởng được ưu tiên này phải là doanh nghiệp thuộc định nghĩa doanh nghiệp siêu nhỏ theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP. Và theo khoản 2 Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP thì các doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.
Có thể tham khảo thêm ở bài viết sau: DOANH NGHIỆP CÓ BẮT BUỘC PHẢI CÓ KẾ TOÁN TRƯỞNG HAY KHÔNG? – LegalTech
6. Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính về thuế, kế toán đơn giản
Theo khoản 2 Điều 10 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 thì doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.
II Tổng kết
Như đã trình bày, các ưu tiên trên được đặt ra nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ trên con đường phát triển. Vì doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm phần đông các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam, đóng góp 1 phần GDP không hề nhỏ nhưng cũng là đối tượng dễ chịu tổn thương nhất nên nhà nước đã xây dựng những chính sách để doanh nghiệp có thể yên tâm sản xuất, phát triển và quay lại đóng góp cho đất nước giàu mạnh hơn. Thông tin trên rất đáng để các doanh nghiệp siêu nhỏ, những startup với quy mô nhỏ xem xét và lưu ý.