HƯỚNG DẪN GHI NGÀNH, NGHỀ KINH DOANH 2022

Trong quá trình thực hiện các thủ tục như thành lập doanh nghiệp, thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cần phải thực hiện các đăng ký, thay đổi liên quan đến mã ngành, nghề kinh doanh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Vậy, cách ghi mã ngành, nghề kinh doanh được thực hiện như thế nào, cần chú ý những vấn đề gì? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Căn cứ pháp lý:

1. Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký kinh doanh;

2. Quyết định 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06 tháng 07 năm 2018 ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

1. Cách tra cứu mã ngành, nghề kinh doanh

         Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm có 5 cấp, ngành cấp sau được mã hóa dựa trên mã ngành của cấp trước đó. Để tra cứu những mã ngành, nghề kinh doanh trước khi thực hiện thủ tục đăng ký, có hai cách để tra cứu:

         Cách 1: Tra cứu trên trang Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp (dangkykinhdoanh.gov.vn). Tại trang này, Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam sẽ được liệt kê hỗ trợ tra cứu.

        Cách 2: Tra cứu thông qua Quyết định 27/2028/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06 tháng 07 năm 2018 ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Tại Phụ lục I của Quyết định này liệt kê một bảng liệt kê mã ngành của cả 5 cấp và tên ngành nghề hỗ trợ cho việc tra cứu.

          Khi tra cứu, đối chiếu ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đang hoạt động với các mã ngành được quy định trong hệ thống để lựa chọn những ngành nghề thích hợp.

2. Ghi mã ngành cấp 4 theo Hệ thống ngành kinh tế

            Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký kinh doanh, khi ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp ghi mã ngành cấp 4 của ngành đó quy định trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

            Đây là nguyên tắc đáng lưu ý mà nhiều người thường xuyên thực hiện không đúng, dẫn đến bị trả hồ sơ khi thực hiện thủ tục với các cơ quan nhà nước. Mã ngành cấp 4 gồm có 4 số và kèm theo là tên ngành nghề cụ thể của mã ngành đó.

            Nếu doanh nghiệp muốn chi tiết hơn thì ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp dưới ngành cấp 4 nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành cấp 4 đã chọn. Khi đó, ngành, nghề kinh doanh chi tiết sẽ là ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Ví dụ:

STT Tên ngành Mã ngành
1 Bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm 4651
2 Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động 5610
3

3. Ghi mã ngành theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật

          Theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 7 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký kinh doanh, các trường hợp cần phải ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật gồm:

          – Đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;

          – Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác;

           Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là những ngành nghề khi tiến hành hoạt động kinh doanh cần tuân thủ các điều kiện như về vốn pháp định, giấy phép,… vì lý do liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký kinh doanh.

          Trong những trường hợp này, việc ghi mã ngành vẫn tuân thủ ghi mã ngành cấp 4 nhưng sẽ theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực ngành nghề đó. Sau đó, có thể ghi thêm mã ngành cấp 5 phù hợp rồi bổ sung thêm diễn giải chi tiết bên dưới hoặc ghi trực tiếp chi tiết sau mã ngành cấp 4.

Ví dụ:

STT Tên ngành Mã ngành
1 Vận tải hành khách đường bộ khác

Chi tiết: Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô

4932
2 Hoạt động viễn thông khác

Chi tiết: Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

6190
3

4. Ngành, nghề không có trong Hệ thống ngành kinh tế và văn bản pháp luật khác

        Theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký kinh doanh, trong trường hợp ngành nghề doanh nghiệp muốn kinh doanh không nằm trong danh mục được liệt kê tại Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và cũng chưa được quy định tại một văn bản quy phạm pháp luật nào khác thì doanh nghiệp vẫn có được đăng ký kinh doanh ngành, nghề đó nếu không nằm trong danh mục ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020.

          Trong trường hợp này, các ngành nghề mới chưa được quy định sẽ được cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và ghi nhận vào cơ sở dữ liệu quốc gia, gửi văn bản thông báo cho Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung ngành nghề kinh doanh mới.

5. Lưu ý

        Thứ nhất, vì hoạt động đấu giá thuộc phạm vi quản lý của Sở Tư pháp theo quy định tài Điều 25 Luật Đấu giá 2016, nên khi doanh nghiệp muốn đăng ký các mã ngành, nghề kinh doanh liên quan đến hoạt động đấu giá cần phải thông qua Sở Tư pháp.

        Thứ hai, doanh nghiệp khi đăng ký hoạt động với các mã ngành, nghề kinh doanh phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

 

 

Trên đây là những thông tin liên quan đến cách ghi mã ngành, nghề kinh doanh đối với doanh nghiệp. Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

LegalTech - Luôn vì bạn

Liên hệ – LegalTech

Phone: 0936 554 127

Email: info@legaltech.vn