QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ VÍ ĐIỆN TỬ

Thời đại 4.0 ngày càng phát triển, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được nhiều người biết đến và phổ biến hơn bao giờ hết. Trong các dịch vụ trung gian thanh toán, “Ví điện tử” là dịch vụ cung ứng được ưa chuộng sử dụng nhiều nhất vì về sự tiện lợi và dễ sử dụng.

1. “Ví điện tử” là gì?

Dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính…), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử theo tỷ lệ 1:1 và được sử dụng làm phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được gọi là “Ví điện tử”.

2. Hoạt động cung ứng “Ví điện tử”.

  • Tổ chức cung ứng dịch vụ “Ví điện tử” không được phép:
  • Phát hành hơn 01 (một) Ví điện tử cho một tài khoản thanh toán của khách hàng tại một ngân hàng;
  • Cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử.
  • Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải có công cụ để Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát theo thời gian thực tổng số tiền của khách hàng trên các Ví điện tử và tổng số tiền trên tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử tại các ngân hàng
  • Việc nạp tiền vào Ví điện tử, rút tiền ra khỏi Ví điện tử của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng

3. Hồ sơ mở “Ví điện tử”.

a) Hồ sơ mở “Ví điện tử” cá nhân.

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 9 Thông tư 23/2019/TT-NHNN, hồ sơ mở “Ví điện tử” cá nhân gồm:

  • Thông tin của cá nhân mở Ví điện tử theo yêu cầu của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử và phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 23/2019/TT-NHNN
  • Căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi); thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh của cá nhân mở Ví điện tử (đối với cá nhân là người nước ngoài);

b) Hồ sơ mở “Ví điện tử” tổ chức.

Theo Điểm b Khoản 1 Điều 9 Thông tư 23/2019/TT-NHNN, hồ sơ mở “Ví điện tử” tổ chức gồm:

  • Thông tin của tổ chức mở Ví điện tử theo yêu cầu của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử và phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 23/2019/TT-NHNN;
  • Một trong các giấy tờ chứng minh việc tổ chức mở Ví điện tử được thành lập và hoạt động hợp pháp như: Quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;
  • Các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền (gọi là người đại diện hợp pháp) của tổ chức mở Ví điện tử kèm theo căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người đó;
  • Khách hàng đăng ký mở Ví điện tử có thể xuất trình các tài liệu quy định tại các điều trên dưới hình thức bản chính hoặc bản sao hoặc bản quét (scan) từ bản gốc hoặc hình thức khác theo quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử;
  • Khách hàng có thể đăng ký và gửi Hồ sơ mở Ví điện tử trực tiếp tại trụ sở, chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử hoặc các kênh giao dịch trực tuyến của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử hoặc các phương thức khác theo quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử và phù hợp với quy định của pháp luật.

4. Sử dụng “Ví điện tử”.

a) Nạp tiền vào “Ví điện tử”.

Ví điện tử phải được nạp tiền từ các hình thức:

  • Tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ Ví điện tử) tại ngân hàng;
  • Nhận tiền từ Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở;

b) Sử dụng “Ví điện tử”

Khách hàng được sử dụng Ví điện tử để:

  • Thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp;
  • Chuyển tiền cho Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở;
  • Rút tiền ra khỏi Ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ Ví điện tử) tại ngân hàng.

c) Hạn mức giao dịch “Ví điện tử”.

  • Tổng hạn mức giao dịch qua các Ví điện tử cá nhân của 01 khách hàng tại 01 tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử (bao gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ Ví điện tử cho Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở) tối đa là 100 (một trăm) triệu đồng Việt Nam trong một tháng;
  • Tuy nhiên, quy định về hạn mức không áp dụng đối với “Ví điện tử” cá nhân người có ký hợp đồng thoả thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịh vụ Ví điện tử.

5. Các hành vi nghiêm cấm khi sử dụng “Ví điện tử”.

Khi sử dụng Ví điện tử nghiêm cấm các hành vi sau đây:

  • Thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền.
  • Tài trợ khủng bố, lừa đảo và các hành vi phạm pháp khác.
  • Thuê, mượn, cho mượn Ví điện tử hoặc mua bán thông tin Ví điện tử.
  • Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào Ví điện tử.

Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ LegalTech.