1. Blockchain là gì?
Blockchain ngày càng biết đến rộng rãi với sự bùng nổ của các đồng tiền ảo như Bitcoin hay Ethereum. Blockchain là một kho lưu trữ, cơ sở dữ liệu phân tán toàn cầu. Có thể hiểu đơn giản, công nghệ chuỗi khối được xem như một cuốn sổ cái mở, dùng để lưu trữ, theo dõi các giao dịch được thực hiện và xác nhận các giao dịch đó trong hệ thống mạng ngang hàng (peer-to-peer), không có một máy chủ tập trung cũng như không có một người nào có quyền kiểm soát cơ sở dữ liệu này.
Một khi dữ liệu được ghi vào cuốn sổ cái này, không ai có thể xóa hay thay đổi. Mỗi một giao dịch hay một khối (block) thông tin được tạo ra sẽ được truyền đến tất cả các thành viên trong hệ thống và phải được xác nhận bởi mỗi thành viên thông qua thuật toán phức tạp. Một khi khối được xác nhận thì nó sẽ được thêm vào cuốn sổ cái hoặc chuỗi thông tin.
2. Đăng ký, xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dựa trên công nghệ Blockchain
Công nghệ Blockchain tạo ra chuỗi thông tin được đảm bảo an toàn, ghi nhận minh bạch thời điểm giao dịch và không thể bị thay đổi, điều này phù hợp với các ứng dụng trong hoạt động bảo hộ, thực thi quyền SHTT.
Đối với bảo hộ một kiểu dáng công nghiệp cần đảm bảo phải có tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Còn đối với nhãn hiệu, bạn cần phải đảm bảo nó có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Blockchain có thể làm cho quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hiệu quả hơn. Trong trường hợp không thể chứng minh rằng nhãn hiệu có khả năng phân biệt, blockchain thu thập thông tin về việc sử dụng nhãn hiệu trong thương mại gần như ngay lập tức giúp đem lại những bằng chứng về việc sử dụng thực tế và tần suất sử dụng nhãn hiệu trong thương mại một cách đáng tin cậy. Các thông tin xác nhận về thời gian và có thể chứng minh thời điểm lần đầu tiên sử dụng nhãn hiệu, nghĩa vụ sử dụng thực tế nhãn hiệu, khả năng phân biệt của nhãn hiệu.
Đối với quyền sở hữu trí tuệ chưa được đăng ký, blockchain có thể trợ giúp bằng việc tạo sổ đăng ký với kiểu dáng công nghiệp và bản quyền chưa đăng ký vì nó có thể dễ dàng cung cấp bằng chứng về thời điểm tạo ra chúng, thông tin quản lý quyền (nếu có) và các yêu cầu pháp lý.
3. Kết luận
Bên cạnh những lợi ích mà blockchain mang lại trong việc ứng dụng nó vào bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thì blockchain cũng mang đến một vài hạn chế. Vì blockchain là sổ cái chỉ được thêm vào (append-only ledger) – thông tin chỉ có thể được thay đổi trong các trường hợp ngoại lệ. Nếu thông tin về bản quyền được nhập không chính xác, người ta sẽ không thể làm gì nếu không có các quy trình và hệ thống quản trị và kỹ thuật thích hợp để khắc phục tình trạng này. Ngoài ra, cần xem xét làm thế nào để quản lý khi bản quyền có thể được chuyển ra bên ngoài mạng blockchain. Cần phải đảm bảo rằng bất kỳ điều gì xảy ra với hàng hóa ngoài chuỗi đều được ghi lại một cách chính xác trong sổ cái kỹ thuật số.
Xem thêm tại đây.