Có rất nhiều người nghĩ rằng Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của Công ty cổ phần phải là người của công ty. Vậy, Công ty cổ phần có được thuê người khác làm Giám đốc hoặc làm Tổng giám đốc không?
1. Giám đốc Công ty cổ phần là ai và có thể thuê không?
Theo khoản 1, 2 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020 về Giám đốc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần như sau:
Điều 162. Giám đốc, Tổng giám đốc công ty
1. Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.
Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Như vậy, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty cổ phần được hiểu là người đứng đầu được tín nhiệm điều hành các công việc sản xuất, kinh doanh của công ty và chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị công ty cổ phần. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty cổ phần phải thực hiện điều các công việc, hoạt động kinh doanh của công ty theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ công ty, ngoài ra còn phải tuân theo các quy định trong hợp đồng lao động đã ký kết với công ty cổ phần và nghị quyết của Hội đồng quản trị công ty.
2. Tiêu chuẩn để trở thành Giám đốc, Tổng giám đốc của công ty cổ phần là gì?
Theo khoản 5 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020 thì người được thuê để làm Giám đốc cho công ty bạn cần phải đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể như sau:
“Điều 162. Giám đốc, Tổng giám đốc công ty
…
5. Đối với công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
a) Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này;
b) Không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ;
c) Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty.”
Những đối tượng theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 là những đối tượng thuộc trường hợp không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm:
“Điều 17. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
…
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.”
3. Giám đốc Công ty cổ phần có các quyền và nghĩa vụ gì?
Quyền và nghĩa vụ của Giám đốc Công ty cổ phần được quy định tại khoản 3 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020:
“Điều 162. Giám đốc, Tổng giám đốc công ty
…
3. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
b) Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;
c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
d) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty;
đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
e) Quyết định tiền lương và lợi ích khác đối với người lao động trong công ty, kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
g) Tuyển dụng lao động;
h) Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
i) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.“
4. Kết luận
Như vậy, Công ty cổ phần có thể thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ở ngoài công ty nhưng người này phải đảm bảo các điều kiện mà pháp luật quy định như đã phân tích trên đây.
Tìm hiểu thêm về Công ty cổ phần tại đây: |