Khi có tranh chấp xảy ra và địa điểm trọng tài của một vụ trọng tài được xác định là Việt Nam, thì Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 sẽ điều chỉnh quá trình tố tụng trọng tài, tương tự như vai trò của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 điều chỉnh trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án. Theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010, quy trình tố tụng trọng tài theo VIAC (Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam) được thực hiện như sau:
Lưu ý:
+ Các bên có thể tham gia trực tiếp tố tụng trọng tài hoặc ủy quyền cho người đại diện tham quá trình tố tụng tại VIAC.
+ Các bên được tự do thỏa thuận:
– Ngôn ngữ tố tụng trọng tài (Điều 10 Luật TTTM 2010)
– Địa điểm trọng tài (Điều 11 Luật TTTM 2010)
– Luật áp dụng cho vụ tranh chấp (Điều 14 Luật TTTM 2010)
Các bước tố tụng:
Bước 1: Nguyên đơn nộp đơn kiện, chỉ định trọng tài viên và nộp phí trọng tài
+ Đơn kiện bao gồm ngày, tháng; tên và địa chỉ của các bên; tóm tắt nội dung vụ tranh chấp; căn cứ pháp lý để khởi kiện; trị giá của vụ tranh chấp và các yêu cầu khác của Nguyên đơn; tên trọng tài viên mà Nguyên đơn chọn (Điều 30 Luật Trọng tài Thương mại 2010).
+ Đơn kiện và các tài liệu kèm theo phải được lập thành 5 bản (đối với trường hợp Hội đồng Trọng tài có 3 Trọng tài viên), hoặc 3 bản (đối với trường hợp Hội đồng Trọng tài có 1 Trọng tài viên).
+ Khi nộp đơn kiện, Nguyên đơn phải đồng thời nộp phí trọng tài (Điều 34 Luật TTTM 2010).
+ Nguyên đơn có thể sửa đổi, bổ sung hoặc rút đơn kiện trước khi Hội đồng Trọng tài ra Quyết định Trọng tài (Điều 37 Luật TTTM 2010).
Bước 2: Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC kiểm tra sơ bộ về vấn đề thẩm quyền, thụ lý đơn kiện và gửi thông báo cho Bị đơn.
Bước 3: Bị đơn nộp Bản tự bảo vệ và chỉ định trọng tài viên (Điều 35, Điều 36 Luật TTTM 2010).
+ Bản tự bảo vệ gồm ngày tháng; tên và địa chỉ của Bị đơn; căn cứ pháp lý để tự bảo vệ; kiến nghị cụ thể của Bị đơn; tên trọng tài viên mà Bị đơn chọn. Ngoài ra, Bị đơn có thể nộp đơn kiện lại hoặc đưa ra phản đối về vấn đề thẩm quyền. Trong trường hợp có đơn kiện lại, Bị đơn có thể sửa đổi, bổ sung hoặc rút đơn kiện lại trước khi Hội đồng Trọng tài ra Quyết định Trọng tài.
+ Việc Bị đơn không nộp Bản tự bảo vệ sẽ không ngăn cản VIAC tiếp tục quá trình tố tụng trọng tài.
+ Nếu Bị đơn không nộp Bản tự bảo vệ, hoặc Bản tự bảo vệ không đề cập đến việc chỉ định trọng tài viên, Chủ tịch VIAC sẽ chỉ định trọng tài viên cho Bị đơn.
Bước 4. Thành lập Hội đồng Trọng tài (Điều 40 Luật TTTM 2010)
+ Đối với Hội đồng trọng tài gồm ba Trọng tài viên:
Nguyên đơn và bị đơn mỗi bên chọn 01 Trọng tài viên hoặc yêu cầu Chủ tịch Trung tâm chỉ định 01 Trọng tài viên.
Hai trọng tài viên được các bên chọn bầu 01 Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài; trường hợp hai trọng tài viên không bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài trong thời hạn quy định thì Chủ tịch Trung tâm chỉ định một trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
+ Đối với Hội đồng trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất:
Nguyên đơn và bị đơn thống nhất chọn Trọng tài viên duy nhất hoặc yêu cầu Chủ tịch Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất hoặc Chủ tịch Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất trong trường hợp các bên không thống nhất được Trọng tài viên duy nhất trong thời hạn quy định.
Bước 5: Hội đồng Trọng tài xem xét giải quyết vụ tranh chấp
+ Hội đồng Trọng tài quyết định cách thức tiến hành tố tụng trên cơ sở thỏa thuận trọng tài và Quy tắc tố tụng của VIAC. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài cũng xem xét yêu cầu của các Bên.
+ Hội đồng Trọng tài nghiên cứu hồ sơ, có quyền xác minh sự việc, gặp các bên để nghe các bên trình bày ý kiến, yêu cầu các bên bổ sung chứng cứ.
Bước 6: Hội đồng Trọng tài triệu tập các Bên đến phiên họp giải quyết vụ tranh chấp
+ Thời gian mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp do Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quyết định, nếu các bên không có thỏa thuận khác (Điều 54 Luật TTTM 2010).
Nếu các bên không tham dự họp giải quyết vụ tranh chấp mà không có lý do chính đáng, Hội đồng Trọng tài vẫn có thể quyết định tiếp tục phiên họp và công bố Quyết định Trọng tài (Điều 56 Luật TTTM 2010).
Bước 7: Công bố Quyết định Trọng tài
Quyết định Trọng tài được công bố sẽ có giá trị chung thẩm và ràng buộc đối với các Bên (Điều 61 Luật TTTM 2010).
Để biết thêm thông tin về Quy trình tố tụng trọng tài theo VIAC, vui lòng liên hệ.